Việc làm ra những sản phẩm thủ công từ cây tre không chỉ đòi hỏi sự khéo léo, tỷ mỉ mà còn cần sức khỏe tốt, bởi thân cây rất cứng cáp để có thể làm ra những sản phẩm hữu dụng có tính thẩm mỹ. Thế nhưng, ở một huyện phía Tây tỉnh Thanh Hoá, có một thanh niên có thể làm ra những vật dụng mềm mại, đáng yêu, hữu dụng từ thân cây tre. Ngoài ra, còn rất nhiều điều bất ngờ khác về người thợ thủ công này. Sinh ra và lớn lên trên quê hương Thượng Ninh, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hoá, tuổi thơ anh Lê Văn Thành gắn liền với cây tre làng; nên trong suốt hơn 30 năm qua, anh tìm kiếm, tạo ra nhiều sản phẩm, thổi hồn vào tre để chứng minh rằng, cây tre hữu ích và giá trị hơn rất nhiều so với những gì mà mọi người vẫn thường biết về nó.
Xưởng tre gai Thành Lan được mở chính thức vào khoảng đầu năm 2023 nhưng trước đó anh Thành có một khoảng thời gian khá dài để chuẩn bị cho sự “chào đời” của “đứa con” này. Anh chia sẻ: “Tôi đã tìm đọc một số tài liệu nghiên cứu của Việt Nam và các nước. Rồi tôi chợt nghĩ, cây tre là thế mạnh của Việt Nam nhưng sao người Việt lại chưa ưa chuộng những sản phẩm từ tre. Từ đó, tôi nhận thấy, cần phải tạo nên sự thay đổi về nhận thức mà người đầu tiên là cá nhân tôi. Tôi mong muốn có thể làm tất cả những vật dụng trong cuộc sống bằng tre. Tre có thể hoàn toàn thay thế cho nhựa, kim loại hay một vật liệu nào đó”.
Trong thời gian đầu, Thành chỉ tập trung vào làm một sản phẩm là bàn ghế tre với sự hỗ trợ của các cộng sự đều là người địa phương. Sau này, anh bắt đầu đa dạng hóa sản phẩm, từ quà lưu niệm, đồ trang trí cho đến những vật dụng thân quen trong cuộc sống như ly nước, đồ trang trí… rồi cả đồ nội thất. Đồng thời, anh kết hợp tổ chức những buổi trải nghiệm cho du khách tự tay làm một sản phẩm đơn giản từ tre. Anh lắp đặt tại nơi thi công nên khách hàng có thể tự trải nghiệm để có thể hoàn thành một sản phẩm đơn giản dưới sự hướng dẫn của anh. Thời gian gần đây Những sản phẩm của xưởng tre Thành Lan không chỉ được du khách ghé đến xưởng hỏi mua mà còn có những đơn hàng tận Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.
Ban đầu, Lê Văn Thành dự định sẽ đi theo hướng công nghiệp hóa để có thể tạo ra sản phẩm với số lượng lớn; nhưng sau khi nhận thấy, cây tre chỉ phù hợp với hướng sản xuất thủ công, anh duy trì cách làm thủ công, máy móc chỉ hỗ trợ một phần nhỏ. Anh cho biết: “Nếu làm thủ công, chắc chắn giá thành sẽ cao hơn, khó bán hơn nhưng đổi lại, chúng tôi được rất nhiều. Chỉ có làm thủ công, mới giữ được kết cấu đặc trưng nhẹ nhưng rất chắc cùng vẻ đẹp rất riêng, tinh xảo của tre. Làm thủ công thì chúng tôi có thể tận dụng tất cả những phần của cây tre từ gốc cho đến thân, nhánh để tạo ra sản phẩm. Còn nếu làm theo hướng công nghiệp, kết cấu của cây tre sẽ bị phá vỡ vì phải được ép thành khối rồi mới tạo kiểu, sản phẩm trở nên nặng hơn, độ chắc bị giảm đi. Đồng thời, chỉ có thể dùng một phần nhỏ của cây tre, sản phẩm cũng không sáng tạo, tinh xảo như khi được làm thủ công”.
Với những sản phẩm cần dùng đến tre có kích thước lớn thì những cây tre này được anh xử lý để chống bị nấm mốc, mối mọt bằng cách truyền thống của người dân Như Xuân là ngâm tre trong bùn từ 6 tháng đến 1 năm tùy vào kích thước cây tre. Còn với những sản phẩm nhỏ như đồ decor… thì được xử lý chống bị nấm mốc, mối mọt bằng cách luộc liên tiếp trong 2 ngày và phải thay nước ít nhất 2 lần để đạt hiệu quả tốt nhất.
Trong danh mục sản phẩm của mình, Thành Lan đặc biệt chú trọng đến sản phẩm xích đu tre gai. Với sự tỉ mỉ, và những thiết kế đơn giản nhưng không kém phần tinh tế, xích đu tre gai Thành Lan được đánh giá là sản phẩm nổi bật, có thị trường tiêu thụ rộng khắp và là sản phẩm mục tiêu của xưởng tre gai. Thị trường của xích đu tre gai tập trung vào các homestay, khu resort, retreets… Có thể thấy, đến mỗi khu du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá và các khu lân cận đều thấy sự xuất hiện của xích đu tre gai cũng như các sản phẩm khác của Thành Lan.
Hiện nay, lao động của cơ sở có thu nhập từ 4-6 triệu đồng. Dự kiến sau 3 năm nữa Thành Lan sẽ tạo được việc làm ổn định cho 8-10 lao động với mức thu nhập trên 7 triệu/người.